Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2

Ngày cập nhật 23 Tháng Sáu 2017

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đối với Công ước Đa dạng sinh học và các Nghị định thư đã tổ chức nghiên cứu các quyết định được thông qua tại Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia (COP13) Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Cuộc họp lần thứ 8 của các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (MOP8), Cuộc họp lần thứ 2 của các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (MOP2) và dự thảo kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định đó. COP13, MOP8 và MOP2 đã được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 17 tháng 12 năm 2016 tại Cancun, Mê-hi-cô. Được sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn công tác tham gia các Hội nghị và cuộc họp nêu trên với thành phần gồm đại diện của Bộ, ngành của Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực tại các phiên họp chính thức, đóng góp cụ thể cho việc hoàn thiện các quyết định được thông qua tại COP13, MOP8 và MOP2.

Ngày 20/6/2017, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2 do Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo này nhằm tham vấn ý kiến của quý vị đại biểu là các nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia về đa dạng sinh học đối với dự thảo kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2 để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch này. Tham gia Hội thảo có các đại biểu đại diện: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường; Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục môi trường; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm tài nguyên thực vật,…

 

Ảnh: Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2

Ảnh: Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2

 

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tuyên bố lý do, nội dung Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện của Việt Nam đối với các quyết định tại COP13, CP-MOP8 và NP-MOP2.

Những nội dung của Hội thảo được trình bày:

– Kết quả Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP13) và kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định COP13 của Việt Nam.

– Kết quả Cuộc họp lần thứ 8 các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học (CP-MOP8) và kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định CP-MOP8 của Việt Nam.

– Kết quả Cuộc họp lần thứ 2 các bên tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen (NP-MOP2) và kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định NP-MOP2 của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề an toàn sinh học được đề cập tại COP13-MOP8, đại biểu tham ra đã thảo luận sôi nổi, góp ý các vấn đề:  

  1. COP13 đã thông qua 37 quyết định, trong đó có các vấn đề chính: Thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Công ước đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020; các hành động chiến lược đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược 2011-2020 và đạt được các mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học; nguồn lực và cơ chế tài chính; ngân sách; hợp tác với các Công ước khác; đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực và hợp tác khoa học và kỹ thuật; chiến lược truyền thông; đa dạng sinh học biển và đới bờ; sinh vật ngoại lai xâm hại; sinh học tổng hợp; thông tin kỹ thuật số về nguồn gen; quản lý bền vững các loài động thực vật hoang dã; khu bảo tồn; phục hồi sinh thái; đa dạng sinh học rừng; đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
  2. MOP8 đã thông qua 19 quyết định, trong đó có các vấn đề chính: Tuân thủ; trung tâm trao đổi thông tin về an toàn sinh học; ngân sách; Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường; đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro; cân nhắc kinh tế xã hội; giám sát và báo cáo; vận chuyển xuyên biên giới không chủ đích và các biện pháp khẩn cấp; nâng cao nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng và Kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định CP-MOP8 của Việt Nam.

Theo Phòng QLNG&ATSH, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học