Hội thảo tập huấn đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học

Ngày cập nhật 12 Tháng Năm 2017

Tham dự Hội thảo có các đ

ại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các thành viên Hội đồng an toàn sinh học, các nhà khoa học trong mạng lưới chuyên gia về an toàn sinh học và các công ty sở hữu các giống ngô biến đổi gen.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo có bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và ông Jeff Stein, điều phối viên khu vực châu Á Thái Bình Dương Chương trình Hệ thống an toàn sinh học.

Trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận các hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học của các sự kiện ngô biến đổi gen. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị đã tiến hành triển khai các hoạt động thẩm định các hồ sơ, trong đó nội dung về xem xét, thẩm định Báo cáo đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học đóng vai trò hết sức quan trọng.

Để quá trình lập báo cáo đánh giá rủi ro, thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro đạt hiệu quả và nhằm cung cấp kinh nghiệm của quốc tế trong việc đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã phối hợp với IFPRI tổ chức hội thảo này. Trình bày tại Hội thảo là các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Phillipines là những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động nghiên cứu, cấp phép cũng như thương mại hóa các sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen.

Trong 02 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về các quy định quản lý, cấp phép của Việt Nam cũng như trên thế giới về khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen, đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học. Đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhằm áp dụng có hiệu quả kinh nghiệm của quốc tế trong việc đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học trong các điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Đây là Hội thảo rất thiết thực đối với Việt Nam vì hiện nay các Bộ, ngành trong nước đang tiến hành các hoạt động thẩm định nhằm cấp phép cho các cây trồng biến đổi gen được phép phóng thích ra môi trường, do đó Hội thảo là cơ hội để Việt Nam học hỏi cũng như tiếp thu các kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong vấn đề này.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học