Ngày cập nhật 12 Tháng Năm 2017
Tại Hội thảo “Hướng phát triển cho tương lai: Vai trò của CNSH đối với giảm lượng khí thải, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thịnh vượng cho nông dân Việt Nam” do Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM tổ chức ngày 19/8 tại TPHCM, bà Rena Bitte, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, cho rằng Việt Nam đang là một đất nước dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do mật độ dân số tương đối cao ở những vùng đồng bằng sông thấp và những khu vực duyên hải, bờ biển.
Nguy hại hơn, theo dự báo của các nhà khoa học khi nước biển dâng thêm 1 mét nữa thì 1/3 ĐBSCL sẽ bị chìm trong nước. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những chiến lược, giải pháp trước mắt và lâu dài để giảm lượng khí thải, giúp thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu.
Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình thực hiện thương mại hóa CNSH nhằm giúp giảm khí thải, đối phó với các biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người nông dân Việt Nam, bà Rena Bitte nhấn mạnh.
TS. Dương Văn Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM cho biết, các thành tựu khoa học trong lĩnh vực CNSH trên thế giới đang đem lại những kết quả hữu ích phục vụ cho nền kinh tế, cho đời sống của người dân.
Tính đến tháng 3/2014, diện tích các loại cây trồng chuyển gene trên toàn thế giới đã đạt 175,3 triệu ha so với 1,6 triệu ha (năm 1996). Đã có 34 nước chính thức sử dụng sản phẩm biến đổi gene làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, tính đến đầu năm 2014, có 329 phát kiến biến đổi gene được tạo ra và đưa vào sản xuất thương mại trên thế giới đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội rất cao.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những chính sách thích đáng để đầu tư cho việc nghiên cứu CNSH và ứng dụng vào nông nghiệp. Mới đây, ngày 11/8/2014, Bộ NNPTNT đã cho phép 4 giống ngô chuyển gene là Bt11, MIR 162, MON 89034 và NK 603 được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, cho phép mở rộng đưa các loại ngô biến đổi gene này vào sản xuất, thương mại hóa tại Việt Nam.
Mặt khác, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết hiện nay, tại ĐBSCL đang có 4,3 triệu ha canh tác lúa, chiếm 52% tổng sản lượng cả nước với 95% số lượng gạo xuất khẩu trong cả nước. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận từ trồng lúa chỉ có 0,1, trong khi cây đỗ tương là 1,03, cây ngô lai là 0,26, cây mè là 1,44. Vì vậy, bên cạnh tiến hành chuyển đổi cây trồng thì việc áp dụng những cây trồng biến đổi gene tại BĐSCL là vô cùng cần thiết để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, từ đó cải thiện tổng thu nhập cho người nông dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, khi triển khai trồng những cây trồng biến đổi gene sẽ góp phần giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm quá trình thâm canh thủ công, giảm việc thay đổi cây trồng thường xuyên, từ đó hạn chế việc thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Từ kinh nghiệm sau 10 năm ứng dụng công nghệ ngô Bt (kháng sâu đục thân), ngô HT (ngô chống chịu thuốc trừ cỏ) và ngô Bt/HT (ngô mang cả tính trạng chống chịu thuốc trừ cỏ và kháng sâu) tại Philippines, TS Leo Gonzales, Chủ tịch Quỹ Sikap/Strive (Philippines) cho biết, khi trồng ngô biến đổi gene, người trồng ngô sẽ cần ít hơn 15% diện tích canh tác, sử dụng phân bón ít hơn 54% và sử dụng lao động ít hơn 25% so với các loại ngô thường.
Bên cạnh đó, năng suất bình quân của các loại ngô biến đổi gene tăng 19%, chi phí giảm 10%, thu nhập trung bình trên 1 kg cao hơn 8% so với các loại ngô truyền thống. Đặc biệt, tính về tỷ suất lợi nhuận đầu tư đối với các DN, nông trại tăng từ 35-42% so với các loại ngô thường.
Để việc áp dụng CNSH được nhanh, rộng, sâu và bền vững trong ngành nông nghiệp, PGS.TS Phạm Văn Dư cho biết, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiến tới hình thành nhóm gồm các nhà giám sát độc lập đa chuyên ngành để đánh giá những tác động về kinh tế-xã hội và môi trường của ngô biến đổi gene ở tầm vĩ mô và vi mô. Cụ thể, đánh giá về khoa học nông nghiệp, môi trường và xã hội, thu nhập của nông dân và người sử dụng sản phẩm.
Thành lập những mối liên minh công-tư và giữa các bên liên quan có thể tài trợ cho việc xây dựng khâu pháp lý và nghiên cứu các thành tựu về CNSH nông nghiệp gồm: Dịch vụ khuyến nông kỹ thuật, hệ thống thủy lợi giao thông, các cơ sở chế biến và kinh doanh sau thu hoạch. Đồng thời, tăng cường đầu tư công cho nghiên cứu về CNSH trong nông nghiệp và tự tạo ra các sản phẩm biến đổi gene chiến lược. Đặc biệt, cần xây dựng mối liên kết chiến lược giữa các vùng trồng cây biến đổi với vùng sản xuất chế biến nguyên liệu.
Theo Chinhphu.vn