Việt Nam chọn tạo thành công đu đủ chuyển gen kháng virus gây bệnh đốm vòng

Ngày cập nhật 11 Tháng Tư 2012

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học, họ đã chọn tạo thành công đu đủ chuyên gen kháng virus gây bệnh đốm vòng. Thành công này mở ra một bước ngoặt mới cho bà con trồng đu đủ có thể khắc phục được bệnh đốm vòng, một loại bệnh phổ biến gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên cây đu đủ.

 

Bên cạnh bệnh khảm lá, bệnh đốm vòng là một trong hai loại bệnh do virus gây ra trên cây đu đủ. Vết bệnh đốm vòng có đốm hình nhẫn, khảm loang lổ trên lá, quả, thân và cành có vết thâm và chảy nhựa. Virus lây bằng 2 cách: lây tiếp xúc cơ học và lây bằng côn trùng môi giới (các loại rệp, rầy). Bệnh lây lan rất nhanh, nhất là cây từ 5-6 tháng tuổi.

Cây bị bệnh lùn, cho ít quả và quả nhỏ theo mức độ của bệnh. Quả bị bệnh có vị nhạt, do bệnh làm giảm lượng đường trong quả. Khi cây bị nặng có thể không cho quả và chết sớm, gây rất nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.

Trước tình trạng đó, trong 6 năm qua, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học đã tiến hành nghiên cứu và chọn tạo thành công đu đủ chuyển gen kháng virus gây bệnh đốm vòng.

Hiện nay, các dòng đu đủ chuyển gien kháng virus đốm vòng thế hệ  T0 đã được đưa vào trồng tại vườn  thí nghiệm của Viện Công nghệ sinh học. Để kiểm tra tính kháng virus của các dòng đu đủ này, các nhà khoa học đã trồng xen đu đủ chuyển gien với những cây đu đủ bị nhiễm bệnh đốm vòng.

Kết quả ban đầu cho thấy, trong số 45 dòng đu đủ chuyển gien được chọn tạo, có 34/45 dòng có khả năng kháng hoàn toàn với virus đốm vòng. Dù trồng trong môi trường nhiễm bệnh nhưng các cây đu đủ chuyển gien vẫn phát triển mạnh, cho quả đều, đẹp, năng suất cao.

Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, một trong các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu công trình chọn tạo đu đủ chuyển gien kháng virus đốm vòng cho biết: “Khi trồng ở đây, áp lực nhiễm bệnh rất nặng, do có những cây bị nhiễm bệnh và không phun thuốc trừ môi giới như là rệp, các loại chích hút. Tuy nhiên, các dòng cây này có biểu hiện bị chích hút nhưng vẫn không biểu hiện bênh, nghĩa là cây kháng được bệnh.”

 

                                  

Để chọn tạo đu đủ chuyển gen kháng virus đốm vòng, các nhà khoa học đã chuyển các cấu trúc gen có nguồn gốc từ virus gây bệnh đốm vòng vào cây đu đủ để tạo tính kháng. Cách làm này ứng dụng kỹ thuật RNAI. Kỹ thuật này đã được 2 nhà khoa học Mỹ là Fire và Mello phát hiện và công bố trên tạp chí Nature vào năm 1998.

Theo kết quả nghiên cứu, đu đủ chuyển gen kháng virus đốm vòng có thể cho thu hoạch liền trong suốt 4-5 năm.

Tiến sĩ Chu Hoàng Hà cho biết, nếu được phép, sau khi thử nghiệm hiệu quả kháng virus trên thế hệ đu đủ từ T1 đến T5, T6, các giống đu đủ có khả năng kháng virus sẽ được đưa vào trồng thương mại, đáp ứng nhu cầu giống sạch bệnh cho nông dân.

Hiện nay, có khoảng hơn 2000 loại virus thực vật đã được phát hiện và nghiên cứu, trong số đó khoảng một nửa là những loài gây hại chính cho cây trồng. Mức độ thiệt hại do các bệnh virus gây ra cho cây trồng là rất nghiêm trọng, có thể thiệt hại tới 95 – 100%. Sự thiệt hại không những chỉ dừng ở mức độ suy giảm về năng suất mà còn ảnh hưởng cả đến chất lượng sản phẩm thu hoạch. Vì vậy, thành công của việc nghiên cứu chọn tạo đu đủ chuyển gien kháng virus bằng công nghệ RNAI sẽ là bước khởi đầu thuận lợicác nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thành công các giống cây trồng kháng virus, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân.

Theo VTC16.vn