Hội thảo tập huấn đánh giá rủi ro đối với môi trường của cây trồng biến đổi gen

Ngày cập nhật 11 Tháng Tư 2012

Trong 3 ngày, từ 25 đến 28 tháng 3 năm 2012, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Trung tâm đánh giá rủi ro môi trường Hoa Kỳ (CERA) tổ chức Hội thảo tập huấn đánh giá rủi ro đối với môi trường của sinh vật biến đổi gen. Hội thảo được tổ chức tại Phòng họp khách sạn Mela, Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Hội thảo đã có sự tham dự của 30 đại biểu đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra còn có các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ: Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Di truyền nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Chương trình Hệ thống  An toàn sinh học (PBS).
Mở đầu Hội thảo là diễn văn khai mạc của TS. Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và TS. Andrew Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá rủi ro môi trường Hoa Kỳ.
Nội dung của Hội thảo nhằm cung cấp các kinh nghiệm thực tế trong việc đánh giá an toàn an toàn các loại cây trồng biến đổi gen cho các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học của Việt Nam.

Sau phần khai mạc là các báo cáo và bài giảng do các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày:

  1. Giới thiệu thể thức và chương trình Hội thảo.

– GS. Flerida Carino, thành viên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia Phillipines.

  1. Tổng quan về quản lý an toàn sinh học tại Việt Nam.

– Ths. Tạ Thị Kiều Anh, Chuyên viên phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học.

  1. Tiêu chuẩn và yêu cầu quốc tế trong đánh giá rủi ro môi trường của cây trồng biến đổi gen.

– TS. Andrew Roberts – Phó Giám đốc CERA.

  1. Khái niệm và nguyên tắc đánh giá rủi ro môi trường.

– TS. Alan Raybould, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh.

  1. Sinh vật cho và sinh vật nhận: Tổng quan và giới thiệu về trường hợp nghiên cứu.

– TS. Michael Wach, chuyên gia về đánh giá thử nghiệm công nghệ sinh học trong nông nghiệp, CERA.

  1. Mô tả thực vật chuyển gen: Biểu hiện/tác động.

– Ông Jeff Stein, Chương trình hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ.

  1. Cỏ dại và truyền gen sang các thực vật liên quan: Tổng quan và giới thiệu về trường hợp nghiên cứu.

– TS. Andrew Roberts – Phó Giám đốc CERA.

  1. Tác động của cây trồng biến đổi gen đến sinh vật không chủ đích.

– GS. Flerida Carino – thành viên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia Phillipines

  1. Chuẩn bị báo cáo thẩm định hồ sơ.

– TS. Andrew Roberts – Phó Giám đốc CERA.

Sau từng bài trình bày của các chuyên gia, các đại biểu tham dự được chia thành 3 nhóm thực hành các bài tập theo chủ đề được giảng viên hướng dẫn. Trường hợp nghiên cứu và thực hành tại Hội thảo là giống ngô MON810 – event biến đổi gen kháng sâu đục thân ngô châu Âu. Việc soạn thảo các tài liệu cho Hội thảo dựa trên các trích đoạn từ các bộ hồ sơ của sự kiện MON810 nộp cho các cơ quan quản lý trong Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Các bài tập thực hành được chia thành các chủ đề trong quy trình đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường:

– Hệ thống quản lý an toàn sinh học và việc xây dựng quy trình đánh giá rủi ro tại Việt Nam.

– Sinh vật cho gen.

– Sinh vật nhận gen.

– Biểu hiện/tác động.

– Vấn đề cỏ dại và sự truyền gen sang các thực vật liên quan.

– Tác động đến các sinh vật không chủ đích và tác động thứ cấp.

Phần thực hành các bài tập được các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến và bàn luận sôi nổi dựa trên các kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro của sự kiện MON810 trên thế giới và các câu hỏi tình huống cụ thể trong trường hợp của Việt Nam. Mỗi nhóm thực hành đều có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia sẽ trả lời các thắc mắc của đại biểu và chia sẻ thêm các kinh nghiệm thực tế trong việc đánh giá rủi ro đã được các chuyên gia trực tiếp thực hiện. Sau mỗi bài thực hành, đại diện của mỗi nhóm sẽ trình bày phần thực hành của nhóm mình dưới sự hướng dẫn của GS. Flerida Carino.

Hội thảo đã được tổ chức thành công sau 3 ngày làm việc với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường. Những bài tập thực hành tại Hội thảo đã cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước những kinh nghiệm đối với việc đánh giá rủi ro môi trường của sinh vật biến đổi gen trên thế giới, từ đó có thể áp dụng những tiêu chí đánh giá rủi ro nào cho cũng như tình hình thực tế tại Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:

A Cuong.jpg Adrew PB.jpg tong the.jpg TL.jpg tL1.jpg TL2.jpg

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học