Thu hoạch khảo nghiệm diện rộng ngô biến đổi gen mang sự kiện MIR162 tại Vĩnh Phúc

Ngày cập nhật 13 Tháng Bảy 2016

Vĩnh Phúc là 1 trong 04 điểm khảo nghiệm diện rộng giống ngô biến đổi gen mang sự kiện MIR162 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 3398/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 8 năm 2015. Việc khảo nghiệm diện rộng được thực hiện tại thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 03 năm 2016.

Việc khảo nghiệm diện rộng ngô biến đổi gen mang sự kiện MIR162 nhằm:
– Đánh giá tác động có thể có của ngô biến đổi gen mang sự kiện MIR162 đối với đa dạng sinh học và môi trường thông qua điều tra đánh giá đa dạng quần thể sinh vật không chủ đích.
– Đánh giá các đặc điểm nông sinh học và các yếu tố cấu thành năng suất của các giống khảo nghiệm so với đối chứng không chuyển gen.
– Đánh giá hiệu quả kháng sâu của các giống khảo nghiệm so với đối chứng không chuyển gen.

Các giống được làm đối chứng cho đợt khảo nghiệm này là giống nền Status và giống NK66.

Sau hơn 3 tháng khảo nghiệm, ngày 08 tháng 7 năm 2016, Viện Bảo vệ thực vật (Đơn vị khảo nghiệm) và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã phối hợp thu hoạch và tiêu hủy các giống ngô biến đổi gen đã khảo nghiệm. Việc thu hoạch và khảo nghiệm được tiến hành dưới sự giám sát của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện cơ quan khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm thông tin KHCN của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc và Lãnh đạo chính quyền địa phương tiến hành khảo nghiệm diện rộng.
Các đơn vị thực hiện đã tiến hành thu hoạch và tiêu hủy toàn bộ vật liệu của quá trình khảo nghiệm diện rộng các giống ngô biến đổi gen theo đúng theo qui định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP và Thông tư số 69/2009/TT-BNNPTNT. Mặc dù ngô biến đổi gen mang sự kiện MIR162 đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên đơn vị khảo nghiệm vẫn tuân thủ các quy định về an toàn sinh học khi thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ các vật liệu của quá trình khảo nghiệm diện rộng nhằm tránh phát tán ra môi trường bên ngoài cũng như tồn tại trong khu vực khảo nghiệm.
Sau khi kết thúc khảo nghiệm, Viện Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam sẽ có trách nhiệm giám sát địa bàn khảo nghiệm để kiểm soát sự sinh trưởng ngoài dự kiến của ngô biến đổi gen khảo nghiệm. Thời gian giám sát đồng ruộng khảo nghiệm sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Viện Bảo vệ thực vật sẽ cử người định kỳ kiểm soát các ruộng thí nghiệm, nếu phát hiện thấy có sự nảy mầm của các giống ngô biến đổi gen sẽ tiến hành tiêu hủy ngay.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học