Ngày cập nhật 11 Tháng Sáu 2016
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN AN TOÀN SINH HỌC VIỆT NAM !
Công ước Đa dạng sinh học được hoàn thiện tại Nairobi vào tháng 5 năm 1992 và đưa ra các nước xem xét ký kết trong Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) tại Rio de Janero ngày 05 tháng 6 năm 1992. Hiện nay, công ước là công cụ quốc tế chính được dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học nhằm thực hiện ba mục tiêu chính:
i) bảo tồn đa dạng sinh học;
ii) sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên;
iii) chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng các lợi ích của việc sử dụng tài nguyên di truyền.
An toàn sinh học là một trong những vấn đề được đề cập trong Công ước. Khái niệm này đề cập đến nhu cầu bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường khỏi những tác động tiêu cực có thể có của các sản phẩm của công nghệ sinh học hiện đại. Đồng thời, Công nghệ sinh học hiện đại cũng được công nhận là có nhiều tiềm năng phát triển cuộc sống con người, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, nông nghiệp và sức khoẻ.
Tại cuộc họp lần thứ hai được tổ chức tháng 11 năm 1995, Hội nghị các bên tham gia Công ước đã thành lập nhóm Công tác Ad-hoc mở rộng về An toàn sinh học để xây dựng dự thảo Nghị định thư An toàn sinh học, tập trung chủ yếu vào sự vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật sống đã biến đổi do công nghệ sinh học hiện đại, có thể tác động tiêu cực đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Sau vài năm thương lượng, Nghị định thư này, với tên gọi là Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học thuộc Công ước Đa dạng sinh học, đã được hoàn thiện và thông qua tại Montreal ngày 29 tháng 01 năm 2000 trong cuộc họp đặc biệt của các bên tham gia Công ước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị định thư Cartagena, ngày 19 tháng 01 năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư kể từ ngày 19 tháng 4 năm 2004. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này.
Là thành viên của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Việt Nam cần thực hiện các nghĩa vụ của mình chiểu theo Nghị định thư, trong đó bao gồm việc cung cấp thông tin cho Cổng thông tin về an toàn sinh học (BCH: Biosafety Clearing House) (theo quy định tại điều 20 của Nghị định thư này).
Ngày 21 tháng 6 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Tại Điều 46 của Nghị định này quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen; duy trì Cổng thông tin điện tử về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen theo lĩnh vực quản lý hoặc trên địa bàn quản lý và có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu về sinh vật biến đổi gen với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Điều 7 Thông tư số 09/2012/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cung cấp, trao đổi thông tin và dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm xây dựng, quản lý Cổng thông tin điện tử về an toàn sinh học; cập nhật thông tin, dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử an toàn sinh học theo quy định pháp luật.
Nhằm chia sẻ các thông tin về an toàn sinh học nói chung cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với Nghị định thư và trách nhiệm do Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Tổng cục Môi trường thiết lập Cổng thông tin về an toàn sinh học quốc gia (nBCH: National Biosafety Clearing House).
Các chức năng chính của nBCH:
1. Là một công cụ tra cứu các thông tin về an toàn sinh học bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo đánh giá rủi ro, các chương trình xây dựng năng lực, các thỏa thuận song phương và đa phương, các chuyên gia về an toàn sinh học, các tin tức cập nhật hàng ngày về an toàn sinh học.
2. Là nơi để thực hiện cơ chế trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành liên quan trong đó cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các đầu mối của các Bộ, ngành liên quan sẽ gửi thông tin liên quan về an toàn sinh học liên quan đến ngành mình quản lý (thông qua Username và Password được cấp) cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đưa lên Cổng thông tin và đáp ứng với Cổng thông tin của Quốc tế.
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường trân trọng chào đón và cảm ơn sự quan tâm của độc giả cũng như các cộng tác viên của Cổng thông tin điện tử về an toàn sinh học!