Đã đến thời của giống bắp biến đổi gen?

Ngày cập nhật 17 Tháng Ba 2016

Tháng 3 năm ngoái, Việt Nam chính thức cho trồng bắp chuyển gen (GMO) trên diện rộng. Sau một năm, diện tích trồng bắp GMO đã lên 5.000 héc ta, và theo hai công ty đang kinh doanh những giống bắp GMO hiện nay là Syngenta và Monsanto, triển vọng phát triển giống bắp GMO trong thời gian tới là rất khả quan.

 

Công ty Syngenta cho biết, sau khi thương mại hóa giống bắp chuyển gen NK66 Bt/GT, phía công ty đã nhận được phản hồi tích cực từ nông dân. Trong vụ đầu tiên, NK66 Bt/GT đã “phủ sóng” hơn 3.000 héc ta.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc Marketing của Monsanto tại Việt Nam, cho biết sau gần một năm chính thức bán giống bắp GMO, diện tích trồng giống bắp của công ty đã đạt gần 2.000 héc ta.
“Nhiều nông dân cho biết nhờ giống bắp GMO mà họ tiết kiệm được từ 2 đến 4 triệu đồng tiền thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu. Nhiều nông dân nói với tôi rằng, họ sẽ tiếp tục trồng bắp GMO trong những vụ tiếp theo”, ông Chính nói.
Theo ông Chính, từ nay đến hết cuối năm, Việt Nam sẽ trồng thêm ba vụ bắp nữa và với đà tăng trưởng này, dự kiến đến hết năm nay cả nước sẽ có khoảng 10% tổng diện tích trồng bắp là trồng giống GMO.
Phía Công ty Syngenta cũng có nhận định tương tự khi cho rằng, cây trồng biến đổi gen sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới đây. “Tại Việt Nam, Nhà nước đã có quyết định số 11, định hướng tăng bắp chuyển gen lên 30% – 50% tổng diện tích trồng bắp đến năm 2020. Với những kết quả tích cực của năm đầu tiên thương mại hóa, chúng tôi tin rằng mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay”, đại diện phía Syngenta cho biết trong thư điện tử gởi cho TBKTSG Online ngày 1-3.
Vì thế, đây cũng là lý do để Syngenta và Monsanto sẽ tiếp tục đưa ra thị trường thêm những giống bắp GMO trong những tháng tới để người nông dân có thêm những lựa chọn.
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2015, diện tích gieo trồng bắp ước đạt 1,1 triệu héc ta, giảm khoảng 80.000 héc ta với năm 2014, chủ yếu do hạn hán không gieo trồng được. Sản lượng bắp ước đạt 5,1 triệu tấn, giảm 90.000 tấn so với năm 2014.
Trong những năm qua, cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là cây bắp GMO, luôn tạo ra trong dư luận xã hội hai làn sóng ủng hộ và không ủng hộ. Bên ủng hộ cho rằng trồng bắp GMO giúp người dân giảm được chi phí thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, còn bên không ủng hộ lại viện dẫn những vấn đề liên quan đến môi trường, sự phụ thuộc vào nhà cung cấp giống, đạo đức xã hội để kêu gọi người dân không dùng những sản phẩm liên quan đến GMO.
Sau nhiều tranh luận, đến nay hai phía vẫn giữ quan điểm của mình và mỗi khi có thông tin nào liên quan đến sản phẩm GMO, các bên lại tiếp tục cuộc tranh cãi như chưa từng diễn ra trước đó.
Trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNT đứng về phía ủng hộ bắp biến đổi gen. Lý do cơ quan này đưa ra là do nguồn cung bắp (làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu mà trong đó chủ yếu từ hai quốc gia đang trồng bắp GMO là Brazil và Argentina.

Theo Bộ NN&PTNT, trong hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 1,16 triệu tấn bắp, giảm gần 6% về lượng so với cùng kỳ năm 2015. Cũng như mọi năm, Brazil và Argentina là hai thị trường cung cấp bắp chính cho Việt Nam khi chiếm hơn 90% tổng lượng bắp mà Việt Nam nhập khẩu.

Theo Saigon Times