Hội nghị “Phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp”

Ngày cập nhật 29 Tháng Sáu 2015

Sáng ngày 27 tháng 6 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp”. Trong giai đoạn 2006 – 2014, chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp – thủy sản đã và đang triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 145 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 69 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thủy sản, với tổng kinh phí được cấp gần 551,5 tỷ đồng.

Đăng ngày 29-06-2015 trong chuyên mục Hội nghị, Hội thảo

Chủ trì Hội nghị là ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan ban, ngành trung ương, địa phương và các công ty ứng dụng công nghệ sinh học. Hội nghị đã nghe một số bài trình bày tham luận về nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông, lâm nghiệp và thủy sản của đại diện Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Trong báo cáo kết quả thực hiện Chương trình đã cho thấy: Chương trình đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu/bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn; giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa và nhiều dòng giống cây trồng triển vọng đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống. Chương trình đã triển khai 12 dự án vi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên các đối tượng cây lâm nghiệp, hoa, khoai tây… Chương trình đã tạo được nhiều chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, vắc xin… có hiệu quả trong sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, chọn tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn.

Trong lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2007- 2014 đã đưa vào phát tán và nuôi thương phẩm cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh; 1 dòng cá rô phi đỏ nuôi phát tán và nuôi đánh giá thử nghiệm tại các vùng nước lợ và ngọt. Các đàn tôm sú, tôm chân trắng chọn giống đã được nuôi đánh giá tăng trưởng ở các vùng địa lý khác nhau cho kết quả tốt… Các nhiệm vụ nghiên cứu có ứng dụng công nghệ gen được thực hiện trên cá tra, tôm chân trắng, tôm sú cũng đang được tập trung nghiên cứu.

Đặc biệt, năm 2014-2015, sau 1 thập kỷ phát triển hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã đưa một số sự kiện cây trồng biến đổi gen vào sản xuất. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam. Việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen trong canh tác tại Việt Nam được xem là một giải pháp quan trọng và có ý nghĩa giúp nông dân tiếp cận gần hơn với các giải pháp công nghệ và canh tác tiên tiến nhất trên thế giới, cung cấp thêm cho nông dân trong nước cơ hội lựa chọn sử dụng các sản phẩm giống cây trồng tốt, hiệu quả canh tác cao. Việc khai thác các giống ngô chuyển gen mang tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ được kỳ vọng là giúp cho nông dân trồng ngô tại các vùng chịu áp lực sâu hại và cỏ dại có thể canh tác dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn hiện nay cũng như đáp ứng và dần tự chủ nguồn cung cho chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng cao trong nước.

Kết luận hội nghị, ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là hết sức cần thiết và là chủ chương đúng đắn của Đảng, Chính phủ. Trong 10 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu chọn tạo chưa nhiều và chưa thể hiện tính vượt trội, chưa hình thành ngành công nghiệp công nghệ sinh học. Nguyên nhân là do nguồn lực ít mà phân tán, thiếu cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia, vì vậy, cần dốc lực nhiều hơn nữa cho công tác đào tạo; xây dựng phòng thí nghiệm theo hướng tập trung, có chọn lọc; phải tổ chức các đề tài nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mạnh hơn; có cơ chế rộng mở để xã hội quan tâm, các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu để nghiên cứu đó sớm được đi vào thực tiễn.Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học